Phổ Hiền Bồ tát (dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la, hoặc Tam mạn đà bạt đà, zh. pǔxián 普賢, sa. samantabhadra, ja. fugen, bo. kun tu bzang po ཀུན་ཏུ་བཟང་པོ་). Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.
Phổ Hiền được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho “Bình đẳng tính trí” tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt. Bồ Tát Phổ Hiền hay được thờ chung với Phật Thích-ca và Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi (sa. mañjuśrī). Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà, voi trắng tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại, sáu ngà cho sự chiến thắng sáu giác quan. Trong hệ thống Ngũ Phật, Phổ Hiền được xem ở trong nhóm của Phật Đại Nhật (sa. vairocana). Biểu tượng của Phổ Hiền là ngọc như ý, hoa sen, có khi là trang sách ghi thần chú của Bồ Tát. Tại Trung Quốc, Phổ Hiền được xem là một trong bốn Đại Bồ Tát, trú xứ của Phổ Hiền là núi Nga Mi, nơi Bồ Tát lưu trú sau khi cưỡi voi trắng sáu răng (sáu răng ngụ ý sáu độ, sáu phương pháp tu hành để đạt tới cõi Niết bàn; bốn chân biểu thị bốn điều như ý, bốn loại thiền định) từ Ấn Độ sang Trung Quốc (xem thêm Tứ đại danh sơn).
Trong Kim cương thừa, tên Phổ Hiền được sử dụng chỉ Bản Sơ Phật (sa. ādi-buddha), hiện thân của Pháp thân (sa. dharmakāya, xem Tam thân). Phổ Hiền này (không phải vị Đại Bồ Tát) được vẽ với màu xanh đậm, tượng trung cho tính Không. Tranh tượng cũng vẽ Phổ Hiền hợp nhất với nữ thần sắc trắng, tượng trưng cho sự nhất thể. Trong phép Đại thủ ấn (sa. mahāmudrā), thân của Phổ Hiền là Báo thân (sa. saṃbhogakāya) và đóng một vai trò trung tâm.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.