Muốn truyền tải tình yêu quê hương đất nước và tạo dấu ấn riêng, Nguyễn Duy Duy quyết tâm tạo ra các sản phẩm đèn giấy 3D mang đậm hình ảnh Việt.
“Đèn giấy 3D chứa một thế giới nhỏ bên trong đó và người nghệ sĩ tạo ra như muốn kể lại câu chuyện cho mọi người qua hình ảnh”.
Đó là nhận xét của Nguyễn Duy Duy (sinh năm 1996, cựu sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội) về những sản phẩm đèn giấy 3D tâm huyết của mình.
Đối với Duy, đèn giấy không chỉ là món đồ trang trí hay mặt hàng để kinh doanh mà còn là nơi anh gửi gắm thông điệp về niềm tự hào dân tộc, vẻ đẹp đất nước.
Khởi nguồn từ niềm tự hào dân tộc
Trong quá trình tìm ý tưởng cho đồ án tốt nghiệp, chàng sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa đã kết hợp giữa nghệ thuật cắt giấy kirigami Nhật Bản, rối bóng Trung Quốc và đèn kéo quân Việt Nam để sáng tạo ra loại đèn 3D xuyên sáng độc đáo.
Đối với Duy, mỗi chiếc đèn là một thế giới huyền ảo, là câu chuyện khơi gợi ký ức của mỗi người xem và còn thể hiện cả sự khéo léo của người nghệ sĩ.
Ban đầu, ý tưởng về họa tiết trang trí đèn được Duy lấy cảm hứng từ phim ảnh. Thế nhưng sau khi bắt tay vào thực hiện, chàng trai quê Thạch Thất đã nhận ra những hình ảnh thân thương, gắn liền với cuộc sống mới là nguyên liệu tốt nhất cho những sản phẩm của mình.
“Thông qua các tác phẩm, mình mong muốn có thể lưu giữ lại nét đẹp về đất nước, đặc biệt là các loại hình văn hóa đang dần bị mai một”, Duy nói với Zing.
Mỗi hộp đèn của Duy thông thường có 9-13 lớp giấy, được phối theo tỷ lệ nhất định để tạo ra ánh sáng phù hợp với khung cảnh.
“Phối ánh sáng sai màu hoặc sai tỷ lệ đôi khi sẽ biến tác phẩm thành thảm họa”, Duy chia sẻ.
Để hoàn thiện một chiếc đèn giấy 3D cần 5 công đoạn: lên ý tưởng thiết kế, tách lớp, cắt khắc bản vẽ, lắp ghép và gia cố khung sản phẩm, cuối cùng là phối màu và kiểm tra độ xuyên sáng của tác phẩm. Tất cả công đoạn này đều được Duy thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận.
Các nguyên liệu để làm đèn thường bao gồm gỗ, giấy, nhựa mica, thanh đệm, đèn led và kính. Để tạo ra được chiếc đèn có độ xuyên sáng tốt, Duy phải sử dụng loại giấy có định lượng cao, cứng và bền, ít chịu sự ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường.
Để sản phẩm độc đáo hơn, Duy tập trung phát triển yếu tố về chất liệu giấy. Chàng trai sinh năm 1996 đang nghiên cứu để sử dụng các chất liệu giấy truyền thống như giấy dó, giấy điệp nhằm lồng ghép văn hóa Việt vào tác phẩm.
Theo Duy, để đảm bảo được yếu tố mỹ thuật, sự hoàn thiện về kỹ thuật là điều quan trọng. Hai tác phẩm ưng ý nhất của anh là “thuận buồm xuôi gió” và “mùa thu Hà Nội”.
Với “thuận buồm xuôi gió”, Duy dành hàng tháng trời nghiên cứu và vẽ lại vân của từng lớp sóng để tạo ra độ xuyên sáng tốt nhất. “Mùa thu Hà Nội” lại là tác phẩm gợi lại cảm giác buồn man mác khi nghĩ đến những ký ức đã qua về thủ đô.
“Mình luôn có quan niệm: những sản phẩm được xây dựng trên ký ức, tình cảm và văn hóa đất nước dân tộc thì luôn trường tồn. Đó cũng là mục tiêu mà mình và nhóm đặt lên hàng đầu”, Duy chia sẻ.
Lạc quan vào tương lai
Tìm thấy đam mê với những chiếc đèn 3D từ lần làm đồ án tốt nghiệp, Duy tiếp tục hoàn thiện, phát triển đèn giấy 3D để sản phẩm này có thể tới được người tiêu dùng.
Ngoài quê hương đất nước, Duy cũng dần mở rộng chủ đề hình ảnh trong các tác phẩm của mình, từ phim hoạt hình đến Phật giáo, phong thủy.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng tìm tới Duy để nhờ anh kể về câu chuyện của riêng mình qua tác phẩm đèn giấy. Những chiếc đèn này không chỉ “độc nhất vô nhị” mà còn mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi khách hàng.
Dù vậy, việc tìm tòi môn nghệ thuật mới chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn, thậm chí đôi lúc chàng trai sinh năm 1996 cảm thấy chán nản vì sản phẩm không như ý, nhưng chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc.
“Nhiều lần mình lỡ tay cắt hỏng mẫu phải làm lại mẫu mới, rồi cả những lần tính sai khoảng cách ánh sáng bố cục cũng như độ xuyên sáng. Có những tác phẩm mình cùng nhóm phải đập đi xây lại nhiều lần mới được”.
Mỗi chiếc đèn 3D của Duy có giá 500.000-700.000 đồng, được nhiều người cho là không rẻ song vẫn nhận được sự ủng hộ của không ít khách hàng. Nhiều người tâm sự rằng với họ, có thể lưu giữ những kỷ niệm trong hộp đèn là điều vô giá.
Đến nay, có 3 năm trong nghề cùng hơn 100 tác phẩm lớn nhỏ, nhưng với Duy, việc tìm kiếm ý tưởng vẫn luôn là công đoạn khó khăn nhất.
“Điểm xuất phát của một sản phẩm sẽ quyết định quá trình hình thành sản phẩm đó. Nếu không có ý tưởng để thiết kế thì các công đoạn sau cũng không thể thực hiện một cách trơn tru được”, Duy nhận xét.
Chàng trai 25 tuổi luôn có sự ủng hộ từ gia đình. Những lời khuyên cho sản phẩm hay sự hỗ trợ về nguyên liệu và kinh tế từ người thân chính là nguồn động lực rất lớn giúp anh có được những thành công ban đầu.
Trong tương lai, nhóm của Duy sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện sản phẩm đèn giấy 3D về thẩm mỹ và kích cỡ.
“Mình mong muốn có thể tạo ra được nhiều tác phẩm có ý nghĩa hơn nữa về Việt Nam, về đất nước và con người để có thể lưu giữ lại trong lòng bạn bè cũng như những người yêu quý Việt Nam những ấn tượng khó phai nhất”, Duy bộc bạch về định hướng tương lai.
Duy cũng chia sẻ về mong muốn xây dựng showroom để mọi người có thể trực tiếp cảm nhận được những thông điệp ý nghĩa mà nhóm muốn truyền tải qua những sản phẩm đèn giấy 3D.