Dự Án Phật Giáo

Cuộc đời của Đức Phật

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên theo đường bộ và đường biển. Các dấu tích của Phật giáo tại Việt Nam được ghi nhận qua các truyền thuyết như “Thạch Quang Phật” và “Man Nương Phật Mẫu” xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La trong khoảng các năm 168-189, Phật giáo hình thành nên hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Pháp.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ đầu công nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộc là giai đoạn hình thành và phát triển rộng khắp. Giai đoạn 2, thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần là giai đoạn cực thịnh. Giai đoạn 3, từ đời Hậu Lê đến cuối thế kỷ 19 là giai đoạn suy thoái. Cuối cùng, từ đầu thế kỷ 20 đến nay là giai đoạn chấn hưng.

1.Đức Phật Thích Ca

Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha) ra đời năm 624 trước Tây Lịch tại một vương quốc nhỏ ngay dưới chân rặng núi Hy Mã Lạp Sơn (ngày nay được gọi là nước Nepal). Cha của ngài là vua của bộ tộc Thích Ca (Skakya) – Tịnh Phạn Vương.

1.1. Đức Phật đản sinh

Truyện kể rằng: Một hôm vào lễ vía Tinh Tú, vua Tịnh Phạn mở tiệc vui chơi trong thành Ca-tỳ-la-vệ. Sau khi dâng hương hoa cúng kiến trong cung điện xong, Hoàng Hậu Ma-da cùng gia đình ra ngoài thành để bố thí thức ăn và quần áo cho dân nghèo. Khi trở về cung an giấc, Hoàng Hậu nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà, vòi cuốn một nhành hoa sen lớn màu trắng, từ trên không trung bay xuống chui vào hông phải của bà. Thức giấc, Hoàng hậu bèn đem điều chiêm bao này thuật lại cho vua Tịnh Phạn nghe. Vừa nghe xong, nhà vua lấy làm lạ liền cho mời các nhà tiên tri lỗi lạc đến để đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng: “Hoàng Hậu sẽ sinh ra một bậc thánh nhân, là Chuyển Luân Thánh vương hoặc một bậc Thánh giác ngộ”.

Khoảng 10 tháng sau giấc mơ kỳ lạ đó, ngày sinh nở của Hoàng hậu Maya ngày càng đến gần, Hoàng hậu xin phép vua Tịnh Phạn trở về quê để chuẩn bị sinh con (theo tập quán thời đó, người vợ phải về sinh con tại nhà cha mẹ của mình). Trên đường trở về quê hương Koliya, đoàn rước kiệu đi qua khu vườn Lâm-tỳ-ni. Lâm-tỳ-ni có nhiều cây sala(Ta-la) che bóng mát tỏa hương thơm ngát, chim chóc, ong bướm bay lượn thu hút sự chú ý của Hoàng hậu. Hoàng hậu đã ra lệnh cho mọi người dừng chân. Khi bà nghỉ dưới một gốc cây sala, bà chuyển dạ và sinh hạ một người con trai. Người con trai đó sau này là Đức Phật.

Sau khi 2 mẹ con về cung, vua Tịnh-phạn nghe tin có 1 vị cao nhân đến thăm. Người đó là tu sĩ A-tư-đà (Asita), người có tài tiên tri do đã chứng thiền tới cấp rất cao – Phi tưởng phi phi tưởng. Khi xem các tướng của Thái tử, ông nhìn xuống lòng bàn chân và nói: “Dưới 2 lòng bàn chân của Thái tử, có hình bánh xe ngàn căm và 32 tướng tốt, sau này chắc chắn thái tử sẽ là một nhà tu hành đắc đạo”.

1.2. Đức Phật khổ tu

Do lời tiên đoán rằng thái tử sẽ bỏ đi tu hành, sau khi nhà Vua nhìn thấy một người già, một người bệnh, một xác chết và một Sa môn ở bốn cửa thành Đông-Tây-Nam-Bắc, vì không muốn Thái tử đi tu nên ông tìm mọi cách cho Thái tử hưởng đầy đủ lạc thú trong hoàng cung, không bao giờ phải nhìn thấy các cảnh đau khổ, bệnh hoạn, già chết ở đời.

Năm lên 18 tuổi, Thái tử kết hôn với công chúa Da-du-đà-la (Yasodhara) của thị tộc Koli. Dù đã kết hôn, Thái tử vẫn sống cùng công chúa Da-du-đà-la như đôi bạn thanh tịnh, đều yêu thích thiền định, thực hành thiền định và lòng thấy an lạc.

Nhận thấy con trai vẫn còn ưu tư, vua Tịnh-phạn đã cho xây dựng 3 tòa lâu đài: Lâu đài mùa Xuân, lâu đài mùa Thu và lâu đài mùa Đông để Thái tử hưởng thụ, nhằm lung lay ý định xuất gia của ngài. Bên cạnh đó, vua cha cũng đưa ra điều kiện muốn Thái tử phải sinh được một người con trai mới có thể xuất gia. Nhưng Thái tử và Công chúa Da-du-đà-la chỉ sống thanh tịnh như đôi bạn thì làm sao có thể đáp ứng yêu cầu của vua cha. Vì để đáp ứng yêu cầu của vua Tịnh-phạn, công chúa đã cầu nguyện các vị Chư thiên ban cho mình một đứa con, và với sự đầy đủ tâm thành của công chúa, một vị Chư thiên đã chấp nhận thỉnh cầu và nhập thai trở thành con của Thái tử.

Nhưng mặc dù vậy, các dục lạc cũng không thể giữ chân Thái tử. Do nhân duyên không thể tránh khỏi, sau bốn lần ra bốn cửa thành và thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ, thái tử đã phát tâm tu hành. Đến một đêm, ngài lặng lẽ từ biệt hoàng cung, quyết định sống cảnh không nhà của một tu sĩ.

Trong đêm tối, Thái tử gọi nô bộc trung thành là Sa-nặc (channa) lấy con ngựa Kiền Trắc (Kanthaka) rồi ra đi. Khi tới bờ sông A-nặc-mã (Anoma), Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, cắt tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Sa-nặc, lệnh cho Sa-nặc trở về thông báo việc này cho phụ hoàng.

Thái tử bắt đầu thử tu khổ hạnh với nhiều nhóm khác nhau. Ngài quyết tâm tìm cách diệt khổ và tìm mọi đạo sư với các giáo phái khác nhau. Thái tử nhanh chóng đạt đến cấp Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ (là trạng thái siêu việt nhất của thiền định). Mặc dù vậy nhưng ngày vẫn chưa tìm được lời giải cho thắc mắc của mình. Cấp độ thiền định cao nhất là “Phi tưởng phi phi tưởng xứ” cũng chưa đạt đến mức độ triệt để cho việc giải thoát khổ đau.

Sau 5 năm khổ hạnh, có lúc gần kề cái chết, thái tử nhận ra đó không phải là cách tu dẫn đến giác ngộ. Không đạt giải thoát với cách tu khổ hạnh, ngài từ bỏ cách tu này. Sau 6 năm tu khổ hạnh không đạt kết quả, thái tử quyết định ăn uống bình thường trở lại và đi đến Giác Thành. Ngài thường đến bờ sông Nairajana ngồi thiền định trên bãi cát. Một hôm, có hai cô bé chăn bò đang dắt bò xuống sông tắm thì thấy Ngài Tất-đạt-đa đang ngồi thiền định, họ sinh lòng kính mến liền tự tay vắt lấy sữa bò, nấu chín rồi dâng lên. Ngài uống xong cảm thấy thân thể khỏe mạnh.

Đến ngày thứ 49, Ngài Tất-đạt-đa ngồi thiền định dưới gốc cây cổ thụ Ni-câu-đà, khi sắp đi khất thực, thì có hai chị em nàng Tu-Xà-Đề (Sujata), con ông trưởng làng Senani, mang bát cháo sữa (kheer) đến cúng vị Thần gốc cây để tạ ơn. Khi thấy Ngài Tất-đạt-đa đang tĩnh tọa, hào quang của ông sáng tỏa làm cho Sujata tưởng rằng vị Thần cây đang hiện thân, hai nàng đặt bát cháo sữa bằng vàng trước mặt, cung kính đảnh lễ rồi ra về. Sau khi ăn xong bát cháo sữa, Ngài Tất-đạt-đa thấy cơ thể khỏe mạnh lạ thường nên không đi khất thực mà xuống sông Ni-liên-thiền tắm, tâm trạng ngài vô cùng phấn chấn, cảm thấy sắp đạt thành tựu viên mãn.

Đêm hôm đó, ngài bắt đầu thực hành các pháp thiền định. Cuối cùng, Ngài đạt Diệt-Thọ-Tưởng định, tỏa ra uy năng chiếu khắp tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới).

Ma vương Thiên ma không muốn ông đắc đạo, đã quấy nhiễu bằng nhiều phương thức. Ma Vương cử ba cô con gái hóa ra ba nàng tiên tuyệt đẹp để quyến rũ nhưng thất bại.

Sau khi hàng phục Ma Vương xong, Ngài Tất-đạt-đa tiếp tục nhập Diệt-Thọ-Tưởng định và bắt đầu chứng đắc các đạo quả:

  • Giai đoạn thứ nhất: qua 4 tuần thiền định dưới cội Bồ Đề, ngài chứng ngộ ba Minh: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh và chứng ngộ Tứ đế: khổ, Tập, Diệt, Đạo. ba Minh để giải đáp được bài toán giải thoát luân hồi sinh tử, tứ đế đưa ra con đường tu tập để đạt trạng thái Niết Bàn chấm dứt khổ đau là Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
  • Giai đoạn thứ hai: Vào tuần lễ thứ 7, Ngài chứng ngộ Chân Như Tánh, Bất Ly Như Tánh, Bất Dị như Tánh, Y Duyên Tánh, Huyễn Tánh và Bình Đẳng Tánh của thế giới hiện tượng. Qua tiến trình thực nghiệm tâm linh, Ngài đã chứng ngộ những điều từ trước chưa ai biết và đến nay những điều chứng ngộ của Ngài vẫn còn giá trị. Lúc đó Ngài mới thực sự chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trở thành một vị Phật lịch sử.

1.3. Đức Phật truyền pháp

49 ngày sau khi đắc đạo, Phật chỉ thiền định, không ăn uống. Đến ngày thứ 49, có hai thương gia người Miến Điện tên Tapassu và Bhallika từ Ukkala đến. Hai thương gia sửa soạn bột rang và mật ong rồi đến trước Phật cung kính dâng lên. Phật nhận lãnh rồi khuyên 2 thương gia quy y Phật Pháp, thọ trì năm giới để được phước báu lâu dài. Hai thương gia đồng ý và trở thành hai thiện tín đầu tiên đã quy y Nhị Bảo và là hai vị Phật tử tại gia đầu tiên. Sau khi đã được Đức Phật ban pháp quy y và truyền 5 giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối), hai vị thương gia được Đức Phật tặng cho 8 sợi tóc và móng tay rồi ban lời tiên tri: “các ông vậy là có đại nhân duyên. Mấy sợi tóc của Như Lai không phải đơn giản. Sau này, lúc Như Lai nhập diệt rồi, ở xứ các ông sẽ thịnh hành giáo pháp diệt khổ nhiều ngàn năm”. Hai vị cung kính nhận lãnh, lạy tạ rồi mang về Miến Điện xây tháp thờ. Hiện nay, Phật giáo là quốc giáo của Miến Điện, 8 sợi tóc bảo vật này vẫn còn được giữ gìn cẩn thận trong bảo tháp của chùa Shwedagon tại thủ đô Rangoon và được coi là quốc bảo của người Myanmar.

Sau khi giác ngộ, Phật có ý định gặp 2 vị thầy cũ của mình là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta để truyền đạo nhưng cả hai vị đều đã qua đời cách đó ít lâu.

Ông quyết định tới gặp năm người bạn đồng tu xưa kia của mình đang ở tại vườn Nai gần Ba-la-nại và truyền dạy giáo lý của mình cho họ. Tất cả năm vị sau đó đều trở thành A-la-hán.

Đức Phật bắt đầu giảng pháp bằng cách trình bày con đường dẫn đến kinh nghiệm giác ngộ và giải thoát, Trên cơ sở kinh nghiệm giác ngộ của mình, Ngài đã giảng Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Vô ngã, Vô thường, Luân hồi, Duyên khởi, quy luật Nhân quả (Nghiệp) và nhiều bài pháp khác mở rộng phù hợp với căn cơ của nhiều người. Tại vườn Lộc Uyển, Ngài bắt đầu những bài giảng đầu tiên, gọi là “chuyển Pháp luân”.

Trong 45 năm tiếp đó, ngài đi nhiều nơi, nhiều vùng miền ở lục địa Ấn Độ, giảng giải giáo pháp và điều này diễn ra liên tục từ năm này qua năm khác. Ngài hay lưu trú tại Vương-xá, Xá-vệ và Phệ-xá-ly, sống dựa vào khất thực, không nhà ở cố định.

Thông qua những lời dạy về chân lý của mình, Đức Phật đã dần dần gây dựng được một đội ngũ đệ tử lớn gồm 4 thành phần: Tỳ – kheo (Nam tu sĩ), Tỳ-kheo-ni (Nữ tu sĩ), Ưu-bà-tắc (Nam cư sĩ, cận sự nam), ưu-bà-di (nữ cư sĩ, cận sự nữ).

các đệ tử quan trọng của Ngài là Thập đại đệ tử, trong đó có A-nan-đà, Xá-lợi-Phất, Mục-kiền-liên, Ma-ha-ca-diếp, A-na-luật và Phú-lâu-na. Trong đó, A-nan-đà gia nhập giáo hội 2 năm sau ngày thành lập, vào hạ thứ 19 thì tôn giả trở thành thị giả thân cận của Đức Phật. Tôn giả A-nan-đà nổi tiếng với trí nhớ phi thường, đã ghi nhớ tất cả những lời Phật dạy. Chính tôn giả là người đã đọc tụng lại Tạng Kinh trong lần kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất để các chư tăng ghi nhớ, do đó kinh Phật được bảo tồn tới ngày nay chính là nhờ vào công lao của tôn giả. Ngoài ra, tôn giả cũng là người đầu tiên cùng Phật phát minh ra “áo cà sa”- trang phục thường ngày về sau của các chư tăng, chư ni nhà Phật.

Cũng trong thời gian này, đoàn Tỳ-kheo-ni được thành lập do kế mẫu của Ngài là bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề làm ni trưởng. Ban đầu, Phật Thích Ca không đồng ý nhận nữ giới vào tăng đoàn vì sợ điều này dễ làm phát sinh các vi phạm về sắc giới trong tăng đoàn. Nhưng nhờ sự cầu xin của A-nan-đà mà Phật chấp nhận thành lập ni đoàn, nhưng ngài cũng chế định ra 8 giới luật nghiêm khắc với các Tỳ-kheo-ni để ngăn chặn việc phạm sắc giới trong tăng đoàn.

1.4. Đức Phật niết bàn

Khi giác hạnh đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba-La-Nại chừng 120 dặm. Một hôm, Ngài gọi A-nan-đà và bảo: “A Nan! Đạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ bốn hạng đệ tử: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-Ni, Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe pháp, và đạo ta cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các người mà ra đi. Thân hình ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở pháp, nay xe đã vừa mòn mà pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn mến tiếc làm gì cái thân tiều tụy này nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn”.

Tin Đức Phật sắp vào Niết bàn lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử của Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lục đục trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần cuối.

Trong thời gian ba tháng cuối cùng cả Ngài, Đức Phật vẫn không nghỉ ngơi mà tiếp tục đi truyền đạo. Một hôm Ngài đi thuyết pháp ngang qua một khu rừng, gặp một người làm nghề đốt than, ông Thuần Đà, thỉnh Ngài về nhà để thọ trai. Ngài im lặng nhận lời cùng các đệ tử theo ông về. Đến nhà ông Thuần Đà dọn ra cúng dường Ngài một bát cháo nấm Chiên Đàn, thường gọi là nấm heo rừng.

Thụ trai xong Phật cùng các đệ tử từ giã ông Thuần Đà ra đi. Được một quãng đường, Ngài giao bình bát cho A-nan-đà và truyền treo võng lên trong rừng cây Ta La (cây song thọ) để Ngài nằm nghỉ. Lúc bấy giờ, sức khỏe của Ngài đã trở nên rất yếu, một số kinh sách ghi rằng do nguyên liệu nấu ăn có lẫn nấm độc. Tuy nhiên sau đó Phật đã nhấn mạnh cho tôn giả A-nan-đà hiểu là Tăng chúng không nên khiển trách Thuần Đà bởi ông ta đã có thiện ý tối thượng, còn việc Phật trở bệnh nặng là quả báo đến lúc phải trả.

Ngài nằm xuống võng đầu trở về hướng Bắc, mình nghiêng về phía tay phải, mặt xoay về hướng mặt trời lặn, hai chân chéo vào nhau.

Nghe tin Ngài sắp nhập Niết bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy có một ông già ngoài 80 tuổi, tên Tu-Bạt-Đà-La đến xin xuất gia thọ giới Sa di với Ngài, Ngài hoan hỷ nhận lời. Đó là người đệ tử chót trong đời Ngài.

Lúc bấy giờ các đệ tử của Ngài đều có mặt đông đủ, chỉ trừ ông Ca Diếp vì đi thuyết pháp xa chưa về kịp. Ngài hội tất cả đệ tử và tín đồ đến quanh Ngài và dặn dò lần cuối.

  • Y, Bát của Ngài sẽ truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp
  • Các đệ tử phải lấy Giới luật làm Thầy
  • Ở đầu các Kinh phải nên nêu 4 chữ: “Như thị ngã văn”(Ta nghe nói)
  • Xá lợi của Ngài sẽ chia làm ba phần: Một phần cho Thiên cung, Một phần cho Long cung, Một phần chia cho 8 vị Quốc vương ở Ấn Độ.

Rồi ngài để lại những lời vàng ngọc trước lúc đi cho các đệ tử:

  • Này! các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!..
  • Này! Các người đừng vì dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Chỉ có chân lý của đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tịnh tiến lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta.

Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng 2 Âm lịch (theo giáo sử Trung Hoa). Rừng cây Ta-la tuôn hoa xuống phủ lên thân Ngài, trời đất u ám, cây cỏ héo úa, chim chóc im bặt tiếng hót. Vạn vật như chìm lặng trong giây phút nặng nề của sự chia ly.

Các đệ tử tẩm liệm xác Ngài vào trong kim quan và 7 ngày sau đưa kim quan Ngài vào thành Câu Thi để tại chùa Thiện Quang và làm lễ trà tỳ (lễ hỏa thiêu).

Tám vị Quốc vương lớn ở Ấn Độ kéo binh hùng tướng dũng đến toan tranh giành xá lợi. Nhưng ông Hương Tích y theo di chúc của Phật, đứng ra điều đình. Nhờ thế việc phân chia xá lợi đều được ổn thỏa.

  1. Đức Phật A di đà

Đức Phật A Di Đà không phải là nhân vật lịch sử và có mặt tại cõi Ta Bà. Tuy nhiên qua lời giới thiệu của Đức Bổn Sư trong kinh Bi Hoa có nói, tiền thân của Đức Phật A Di Đà là vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm với muôn vàn công đức và lòng đại bi thương yêu tất cả chúng sinh. Ngài đã mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sinh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ.

Phật A Di Đà là vị Phật được thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa. A Di Đà có nghĩa là Ánh sáng vô hạn bởi vậy Phật A Di Đà thường được gọi là Đức Phật ánh sáng.

Kinh ghi lại rằng: “Về khoảng hằng sa kiếp trước, có một đại kiếp gọi là Thiện Trì. Khi ấy tại cõi Tản Đề Lam thế giới có vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm, thống lãnh cả bốn xứ thiên hạ. Tài đức vẹn toàn, đượm nhuần khắp bốn phương, nên hết thảy nhân dân ai nấy cũng sẵn lòng ái kính.

Vua có một vị đại thần tên là Bảo Hải, rất tinh thông về nghề xem thiên văn. Bảo Hải có một người con trai tướng tốt lạ thường, từ dưới chân lên đến trên đầu đều có ba mươi hai tướng tốt. Khi người con này sinh ra, được các hàng khách tôn quý đem nhiều đồ lễ vật đến dâng cho, nhờ vậy mà đặt tên là Bảo Tạng.

Lúc khôn lớn, thì Bảo Tạng xem biết việc đời là thống khổ, thân mạng lại vô thường, tự nhiên sinh lòng chán ngán, bỏ cuộc sống vinh hoa, xuất gia tu hành. Chẳng bao lâu đã thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như lai, đủ các đạo Pháp, thần thông rộng lớn. Khi Thành Phật rồi, thì Ngài dạo khắp các nơi hóa độ cho chúng sinh, có nhiều hạng đệ tử đã chứng đặng quả Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, nên nhân dân ai nấy cũng sẵn lòng hoan nghênh.

Một ngày nọ, vua Vô Tránh Niệm nghe Phật Bảo Tạng cùng đệ tử đến giảng đạo tại vườn Diêm Phù gần bên thành, thì tự nghĩ rằng: “Nay ta muốn đến chỗ Phật xem coi giảng Đạo lý gì mà thiên hạ tín ngưỡng đông như thế!”

Nghĩ như vậy rồi, vua cùng các vị vương tử, đại thần và quyến thuộc bèn đến vườn Diêm phù lễ Phật, vừa xong liền đi xung quanh ba vòng rồi ngồi cạnh bên Ngài mà nghe Pháp.

Vua Vô Tránh Niệm xem thấy Đức Bảo Tạng Như Lai khoanh chân ngồi trên bản tọa có hình con sư tử, rất bực trang nghiêm, đủ tướng tốt đẹp, chung quanh thân Ngài có ánh sáng nhiều sắc chói lòa.

Trong Pháp hội gồm những người đã xuất gia làm đệ tử của Phật, cạo tóc đắp y, những hàng vương tử đại thần mặc đồ anh lạc, cung nga mỹ nữ dung mạo tốt xinh, áo xiêm chỉnh đốn, kẻ thì chắp tay ngồi im lặng, người thì quỳ gối thưa hỏi, xem bộ ai nấy cũng chăm chú nhìn Phật mà nghe Pháp cả.

Vua nghe Đức Bảo Tạng Như Lai diễn đủ các Pháp, thì lòng đã mở thông, căn thân thanh tịnh, rõ đường giải khổ, biết sự làm lành, liền quỳ xuống chắp tay mà thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi muốn sắm đủ những đồ ăn uống, áo chăn, mền nệm và thuốc men dâng cúng cho ngài và đại chúng trọn 3 tháng ở đây mà giảng đạo, xin Ngài từ bi ai nạp”.

Vua thấy Phật nhận lời, liền trở về truyền lệnh sắm sửa đủ mọi lễ, cứ đúng buổi mà dâng cúng.

Vua lại khuyên bảo các vị vương tử, đại thần, quyến thuộc và nhân dân rằng: “Các ngươi có biết hay không? Nay Trẫm đã mở lòng bố thí, kính thỉnh Đức Bảo Tạng Như Lai và đại chúng đến mà cúng dường trọn ba tháng. Những đồ báu trọng ngon đẹp mà Trẫm thọ dụng bấy lâu nay đều đem dâng cúng tất cả. Các ngươi cũng có thể theo ý Trẫm xả bớt huyễn tài mà cúng Phật Tăng xin cầu phước báu.

Cả thảy đều vâng lời khuyên, hết lòng sắm sửa lễ vật mà dâng cúng Phật.

Có một hôm, quan Đại thần Bảo Hải, là phụ thân Đức Bảo Tạng Như Lai, nằm chiêm bao thấy vua Vô Tránh Niệm làm sự bố thí thì lớn, mà việc cầu phước báu thì nhỏ. Sự ao ước của vua chưa thoát ra khỏi luân hồi sinh tử. Vậy nên quan Đại thần chẳng thể vui lòng, vì ý của ông muốn làm sao cho vua phát tâm cầu quả Bồ đề, tu thành Phật đạo mà cứu vớt mọi loại chúng sinh, chứ không muốn vua cầu phước báu nhỏ nhen như hàng tiểu dân vậy.

Quan Đại thần suy nghĩ như vậy, bèn đến chỗ Phật Bảo Tạng Như Lai tỏ điềm chiêm bao ấy và tâu với vua Vô Tránh Niệm rằng: Ngày nay Đại Vương cúng dường Phật Tăng, dùng phước duyên đó mà cầu nguyện những việc chi, xin cho ngu thần rõ. Nếu Đại vương muốn cầu sinh về cõi Trời thì làm một vị thiên tử hưởng sự phước thọ, nếu Đại vương muốn cầu sinh về cõi Nhân gian làm vua Chuyển Luân, thống lãnh bốn châu thiên hạ như ngày nay vậy, thì cũng còn ở trong khổ ải, chứ chưa ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Thưa Đại Vương! Hai sự phước báu tôi đã trần tấu đó đều là tướng vô định, đều là sự vô thường, thí như cơn gió thổi, dường tựa đám mây tan, có chắc chắn lâu dài chi đâu mà phải cầu nguyện. Nếu sinh về cõi Trời, khi hưởng sự khoái lạc mà có tạo ác nghiệp, thì cũng phải đọa vào địa ngục chịu khổ. Còn như sinh về cõi nhân gian thì lại chịu mọi sự khổ não phần thì oán cầu gặp gỡ, phần thì ân ái chia lìa, cái khổ trạng ấy không thể kể xiết. Vì Đại Vương nhờ nhân duyên tu phước đời trước, nên mới hưởng đặng sự tôn vinh như vậy. Nếu nay Đại Vương giữ gìn giới luật, thì sẽ đặng phước báu lớn hơn nữa. Còn như tu học chánh pháp, thì sẽ thành chưởng trí. Vậy xin Đại Vương nên phát tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ Đề, chứ đừng cầu nguyện những việc phước báu nhỏ nhen như hạng người thường kia vậy.

Vua Vô Tránh Niệm nghe quan Đại thần Bảo Hải khuyến thỉnh như thế, thì tâm lượng tự nhiên mở rộng, liền đáp rằng: “Trẫm chẳng cầu những việc như khanh nói đó đâu! Trẫm muốn trải khắp trong đường sinh tử, làm sự bố thí, trì giới, hầu nghe những pháp, tu hạnh Bồ Tát và cứu vớt chúng sinh, do nhân duyên ấy mà phát tâm Bồ Đề”.

Vua nói vậy rồi bèn đi với quan Đại thần Bảo Hải đến chỗ Đức Bảo Tạng Như Lai. Thấy Ngài đang nhập định, phóng hào quang sáng suốt, hiện cả mười phương Chư Phật ra trước mặt cho chúng hội xem: Hoặc có cõi Phật đã Niết Bàn rồi, có cõi Phật đương Niết Bàn, hoặc có các cõi vị Bồ Tát mới ngồi nơi đạo tràng dưới cây Bồ Đề, đương hàng phục chúng ma, hoặc có cõi Phật mới thành đạo và mới nói Pháp, hoặc có thế giới toàn là các vị Bồ tát, hoặc có thế giới toàn là những hàng Thinh Văn và Duyên Giác, hoặc có thế giới không có Phật, Bồ tát, Thinh Văn và Duyên Giác chi hết, hoặc có thế giới đủ năm món ác, có thế giới đủ các thứ trang nghiêm, hoặc có thế giới mà nhân dân thọ mạng ngắn ngủi, hoặc có thế giới thường bị tai nạn thủy hỏa, hoặc có thế giới hằng ngày bị tai nạn gió bão, hoặc có thế giới gần thành tựu, hoặc có thế giới đã thành tựu rồi.

Đại thần Bảo Hải thấy vậy, bèn tâu với vua Vô Tránh Niệm rằng: “Nay Đại Vương nhờ sức của Đức Như Lai mà thấy được các thế giới, vậy Đại vương phát tâm Bồ Đề muốn cầu lấy giới nào”.

Vua chắp tay mà thưa với Đức Bảo Tạng Như Lai rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng biết các vị Bồ Tát tu hạnh gì mà chiếm đặng thế giới xấu xa ác trược. Do nghiệp gì mà đặng thọ mạng lâu dài, tạo nghiệp gì mà thọ số ngắn ngủi? Xin Ngài chỉ dạy cho tôi biết mà tu học”.

Đức Bảo Tạng Như Lai nói rằng: “Vì bởi các vị Bồ Tát có sức thề nguyện, muốn ở cõi giới thanh tịnh, không có các điều ác trược, nên sau khi thành đạo được về ở cõi ấy rất trang nghiêm. Còn các vị Bồ Tát nào do sức thề nguyện, muốn ở cõi thế giới ngũ trược đủ sự phiền não, nên sau khi thành đạo về ở cõi ấy”.

Vua Vô Tránh Niệm lễ Phật rồi lui trở về trong cung, một mình ngồi im lìm mà suy nghĩ đến sự thề nguyện của mình, mong cầu cho đặng cõi cực kỳ tốt đẹp, đặng tiếp dẫn chúng sinh.

Suy nghĩ rồi vua bèn trở lại lễ Phật mà thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Vì tôi muốn chứng đạo Bồ Đề, nên đem công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong ba tháng mà cầu đặng cõi Phật rất thanh tịnh và trang nghiêm.

Nói thế rồi vua Vô Tránh Niệm phát 49 lời thề nguyện trước Đức Phật Bảo Tạng Như Lai, được ghi rõ trong kinh Vô Lượng Thọ.

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe vua Vô Tránh Niệm nguyện mấy lời ấy rồi khen rằng: “Hay thay! Hay thay! Đại vương phát nguyện sâu lớn, muốn cõi thanh tịnh. Kìa Đại vương hãy xem qua hướng Tây, cách trăm ngàn muôn dặm cõi Phật có một thế giới gọi là Tôn Thiện Vô Cấu, giáo chủ cõi ấy hiệu là Tôn Âm Vương Như Lai, hiện nay đương vì các vị Bồ Tát mà giảng dạy Pháp Đại Thừa, giáo hóa các người Thượng căn, chứ không diễn thuyết mấy Pháp quyền tiểu.” Trong cõi ấy cũng không có chúng sinh căn trí Tiểu thừa và cũng không có một người nữ nhân, nhưng y báo (cảnh vật) và chánh báo (căn thân) của Phật Tôn Âm Vương Như Lai thật thanh tịnh trang nghiêm, rất xứng hợp với chỗ cầu nguyện của Đại Vương. Vì Đại Vương có thệ nguyện muôn cõi thanh tịnh, nên nay Ta đổi hiệu Đại vương là Vô Lượng Thanh Tịnh.

Khi Vô Lượng Thanh Tịnh mãn một trung kiếp, thì Đức Phật Tôn Âm Vương Như Lai nhập Niết Bàn, Chánh Pháp truyền bá đặng mười trung kiếp. Đến khi diệt rồi, trải qua sáu mươi trung kiếp, thì cõi Tôn Thiện Vô Cấu đổi tên lại là: Di Lâu Quang Minh có Đức Phật hiệu là Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương Như Lai, ứng hiện ra đời mà hóa đạo chúng minh. Sau khi Đức PHật nhập Niết Bàn rồi, trải qua vô số hằng sa kiếp và vô lượng PHật diệt độ, thì cõi Di Lâu Quang Minh đổi tên lại là An Lạc. Đến thời kì Vô Lượng Thanh Tịnh chứng quả về cõi đó mà thành Phật lấy hiệu là A Di Đà Như Lai sống lâu vô cùng, tiếp dẫn vô lượng chúng sinh trong các giới về đó, rồi giáo hóa cho tất cả thành Phật Đạo.

Đôi nét về hình dáng đặc trưng của Phật A Di Đà.

Phật A Di Đà trên đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, khoác trên người áo cà sa màu đỏ. Phật có thể trong tư thế đứng, tay làm ấn giáo hóa hoặc trong tu thế ngồi trên toad sen, tay bắt ấn thiền. Trên tay Phật có thể giữ một cái bát, là dấu hiệu cho giáo chủ.

  1. Đức Phật dược sư

Dược Sư Như Lai gọi đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, người ta thường gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, gọi tắt là Dược Sư Phật. Theo Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh chép: “về phương Đông cách thế giới Ta Bà khoảng 10 hằng hà sa Phật độ có cõi Phật tên là Tịnh Lưu Ly, tên của Đức Phật đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”.

Theo kinh Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Công Đức, nhờ trong khi tu hành Bồ tát đạo phát 12 đại nguyện giải trừ hết thảy bệnh khổ cho chúng sanh, khiến họ đầy đủ căn lành và hướng về giải thoát nên khi thành Phật, Ngài trụ ở thế giới Tịnh lưu ly, trang nghiêm như thế giới Cực lạc, cùng với 2 vị Đại Bồ tát là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu làm quyến thuộc để giáo hóa chúng sanh.

Bổn nguyện của Dược Sư Như Lai là trị tất cả trọng bệnh phiền não về thân và tâm của chúng sanh, cứu độ chúng sanh ra khỏi sanh tử khổ đau. Vì Dược Sư Như Lai có bổn nguyện thanh tịnh như vậy nên ánh sáng trong suốt hoàn toàn thanh tịnh (Lưu Ly Quang) như lưu ly vô ngại hiển hiện trên thân của Ngài, và quốc độ của Ngài cũng như vậy nên gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang.

Cũng như các Đức Phật trong mười phương, Đức Dược Sư có đầy đủ thập hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn.

  1. Quan Âm tự tại

Trong kinh sách có ghi chép rằng, cách đây rất lâu từ vô lượng kiếp, Quan Âm chính là Thái tử của nhà vua Vô Tránh Niệm tên Bất Huyền Thái tử. Ở thời điểm này, Đức Bảo Tạng Như Lai chính là vị Phật có vai trò quan trọng trong việc hóa độ cho chúng sinh.

Đức Bảo Tạng có giáo lý vô cùng huyền diệu, vì thế mà được chúng sinh lan truyền khắp nơi. Điều này khiến cho vua Vô Tránh Niệm cảm phục vô cùng nên ngày ngày cúng dường cho Phật những lễ vật vô cùng quý giá, khuyên tất cả quần thần cùng loi gương để tích đức nhận phước báu về sau. Bất Huyền Thái tử cũng vì vậy mà vâng lời theo cha, hết lòng cung kính với đức Phật.

Đức Phật thấy vậy nên khuyên nhủ Thái tử rằng: “nếu đã cúng dường tăng chúng và Phật thì hãy mang công đức này hướng về Vô thượng Bồ Đề, không nên bắt chước cầu phước báu ở cõi sinh luân hồi.

Vì dù phước báu có tốt đến đâu, vui sướng đến mấy thì cũng có ngày chấm dứt ở trong cõi này. Chỉ có phước báu vô lậu mới có thể khiến Thái tử lìa khỏi sinh tử luân hồi, loại phước báu này có thể tồn tại nhiều đời nhiều kiếp, vĩnh cửu vô tận”.

Thái tử liền nghe lời khuyên và nguyện hồi hướng công đức cúng dường về vô thượng chánh giác. Và cầu xin Đức Phật sau khi cùng vua cha trải nghiệm nhiều kiếp tu hành thì thọ ký cho vua cha thành Phật A Di Đà ở cõi Tây Phương cực lạc, nơi không có sinh tử luân hồi, và Thái tử nguyện làm thị giả phụ tá cho người.

Đức Bảo Tạng liền thọ ký cho nhà vua thành Phật A Di Đà và Thái tử là Quan Thế Âm Bồ Tát, cùng lời dạy: “Ngươi sẽ là vị Bồ Tát quan sát từ tâm tất thảy chúng sinh vì Nghiệp báo mà phải chịu đau khổ nên phát sinh tâm từ bi, nghe tiếng cầu cứu đau thương mà cứu độ nên đặt hiệu cho ngươi là Quan Thế Âm. Từ nay ngươi sẽ giáo hóa tất thảy chúng sinh thoát khỏi đau khổ do phiền não gây ra và làm mọi công hạnh để cứu độ chúng sinh.”

Sau khi được Phật thọ ký, Thái tử cùng vua cha tồn tại ở Tây Phương cực lạc và không quên hạnh nguyện của mình là đại từ đại bi giáo hóa, cứu độ cho mọi chúng sinh.

  1. Văn Thù bồ tát

Đức Văn Thù Sư Lợi khi chưa thành đạo thì Ngài là con thứ ba của vua Vô Tránh Niệm, tên là Vương Chúng Thái Tử. Nhờ phụ vương khuyên bảo nên Ngài phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và Tăng chúng tròn ba tháng.

Lúc ấy, quan Đại Thần Bảo Hải thấy vậy thì khuyên rằng: “Nay Điện hạ đã có lòng làm sự phước đức, tạo nghiệp thanh tịnh, nên vì hết thảy chúng sinh mà cầu đặng các món trí huệ, và đem công đức ấy hồi hướng về đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì tốt hơn là mong cầu mọi sự phước báu nhỏ nhen”.

Vương Chúng Thái Tử nghe quan Đại thần khuyên như vậy thì liền chấp tay mà thưa với Phật phát 24 lời thề nguyện.

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe mấy lời nguyện liền thọ ký cho Vương Chúng Thái Tử rằng: “Hay thay! Hay thay! Ngươi là người Đại Trượng Phu, trí huệ sáng suốt, tỏ biết mọi lẽ, phát nguyện rất lớn và rất khó khăn, làm những việc công đức rất rộng sâu, không thể nghĩ bàn đặng. Chính ngươi là bậc trí huệ nhiệm màu, mới làm đặng mọi sự như vậy.

Bởi ngươi vì hết thảy chúng sanh mà phát thệ nguyện rất nặng lớn và cầu đặng cõi Phật rất trang nghiêm như thế, nên ta đặt hiệu ngươi là Văn Thù Sư Lợi. Trải vô lượng hằng sa số kiếp về sau, ngươi sẽ thành Phật hiệu là Văn Thù bồ tát ở thế giới rất đẹp đẽ tên là Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Chi, thuộc về bên phương Nam. Tất cả mọi sự trang nghiêm của ngươi ước ao thảy đều thỏa mãn. Từ nay về sau, trải hằng sa kiếp, ngươi tu Bồ Tát đạo, trồng các căn lành và tâm trí thanh tịnh. Ngươi hằng vì chúng sinh mà giáo hóa cho họ đều dẹp trừ được các món tâm bệnh, vậy nên chúng đều xưng ngươi là Thầy thuốc.

Vương Chúng Thái Tử thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! nếu sự thệ nguyện của tôi đặng như lời Ngài thọ ký, thì tôi xin cả thế giới đều vang động và các Đức Phật mười phương đều thọ ký cho tôi.” Thưa rồi đương cúi đầu lễ Phật, tự nhiên giữa hư không có các thứ tiếng âm nhạc vang rền diễn ra các phaspl và có các thứ bông tươi tốt thơm tho rải xuống như mưa. Các vị Bồ Tát ở các thế giới khác xem thấy như vậy, liền hỏi các Đức Phật rằng: “Do nhân duyên gì mà có điềm lành như thế?”

Các Đức Phật nói rằng: “Nay Chư Phật mười phương đều thọ ký cho Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát sau sẽ thành Phật nên xuất hiện điềm lành”.

Vương chúng Thái Tử thấy vậy, lòng rất vui mừng, liền đãnh lễ Phật rồi ngồi nghe thuyết Pháp.

Từ đó về sau, Thái tử Mạng Chung bào thai ra các thân khác và đời khác, kiếp nào cũng giữ gìn bản thệ, quyết chí tu hành, học đạo Đại thừa, làm hạnh Bồ tát, hóa độ chúng sanh đều thành Phật đạo mà cầu cho thỏa mãn những sự cầu nguyện của mình.

  1. Phổ Hiền bồ tát

Đức Phổ Hiền là con thứ tư của vua Vô Tránh Niệm, tên Năng-đà-nô. Nhờ phụ vương khuyên bảo nên thái tử mới phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và chúng sanh trong 3 tháng. Lúc ấy quan đại thần Bảo Hải thấy vậy, khuyên rằng: “Nay Điện Hạ có lòng làm được việc công đức rất tốt như thế, xin hãy hồi hướng về đạo Vô Thường Bồ Đề mà cầu được thành Phật, hơn là cầu sự phước báu hữu lậu nơi cõi Nhơn, Thiên, vì cõi ấy vẫn còn ở trong vòng sinh tử”.

Thái tử Năng-đà-nô nghe quan đại thần khuyên bảo như vậy, liền bạch với Phật Bảo Tạng rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nay ta có món công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong 3 tháng, xin hồi hướng về đạo Vô Thượng Chánh GIác, nguyện phát tâm Bồ Đề, tu hạnh Bồ Tát mà giáo hóa mọi loại chúng sinh được thành Phật đạo, và nguyện được cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm, bao nhiêu những sự tốt đẹp và sự giáo hóa chúng sinh đều y như thế giới của Đức Văn Thù Bồ Tát vậy”.

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe Năng-đà-nô thái tử phát nguyện như vậy liền thọ ký rằng: “Hay thay!Hay thay! Người phát thệ nguyện rộng lớn, muốn độ hết thảy chúng sinh đều thành phật đạo. Trong khi tu Bồ Tát đạo, dùng trí kim cang mà phá nát các núi phiền não của mọi loại chúng sanh, vì vậy nên ta đặt hiệu ngươi là Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức, Trải hằng sa kiếp làm nhiều công việc Phật sự rất lớn, rồi đến thế giới Bất Huyền ở phương Đông mà thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai, chừng đó những sự tốt đẹp trang nghiêm của ngươi đã cầu nguyện thảy đều như ý”.

Khi Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký rồi, tự nhiên giữa hư không có nhiều vị Thiên Tử ở các cõi Trời đem đủ thứ bông thơm đẹp đến mà cúng dường và đồng thinh khen ngợi.

Thái tử Năng-đà-nô thưa với Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu những sự ao ước của ta ngày sau quả nhiên được như lời Ngài thọ ký, nay tôi kính lễ Ngài và Chư Phật mà xin làm sao hằng sa thế giới có đủ món hương rất tốt, rất thơm, mùi bay khắp trong các cõi, và mọi chúng sinh, hoặc ở trong địa ngục, ngạ quỷ cùng súc sinh, cho đến các người ở cõi Thiên Thượng nhân gian đương mắc phải nghiệp báo gì, nếu ngửi được món hương thơm ấy, tức thì đều được thoát khổ và lại hưởng sự an vui .”

Thái tử Năng-đà-nô thưa rồi đương cúi đầu mà lễ Phật, thì trong các giới mười phương tự nhiên có mùi hương thơm bay khắp cả. Lúc đó mọi loài chúng sinh ngửi được mùi hương ấy, lòng dạ hớn hở, các phiền não thảy đều tiêu trừ. Năng-đà-nô thái tử nhờ Phật thọ ký như vậy, thân tâm vui mừng, bèn đảnh lễ Phật, rồi ngồi xuống nghe ngài thuyết Pháp.

Thái tử Năng-đà-nô nhờ công đức đó nên sau khi mạng chung, sinh ra ở các thân khác và các đời khác, kiếp nào cũng nhớ lời thệ nguyện mà chăm làm Phật sự và hóa độ chúng sinh, để cầu cho mau chóng viên mãn những gì mình đã ao ước, phát nguyện.

Bởi ngài có lòng tu hành tinh tấn như vậy nên đã thành Phật ở cõi Bất HUyền và nay hóa thân vô số ở trong các thế giới mà giáo hóa chúng sinh.

  1. Địa Tạng Vương bồ tát

Đức Địa Tạng là một vị đã chứng bậc Đẳng Giác trải đến vô lượng A Tăng Kỳ kiếp rồi. Ngài có lời đại nguyện rằng: Nếu Ngài chưa độ hết chúng sinh thì Ngài không chứng quả Bồ Đề, và nếu sự thọ khổ trong địa ngục hãy còn thì Ngài thề không chịu thành Phật.

Nói đến tiền thân của Ngài khi chưa chứng quả vị, có kiếp Ngài làm con gái, có kiếp thì Ngài làm con trai và cũng có kiếp Ngài làm vua. Ở đây Fox xin được kể về một kiếp của Ngài.

Theo Kinh Địa Tạng của Phật Thích Ca nói tại cung Trời Đao Lợi, Hồi đời quá khứ, tại kiếp Bất khả tư nghị A Tăng Kỳ, có Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương ra đời. Sau khi Phật nhập diệt rồi, đến thời kỳ Tượng Pháp thì Ngài Địa Tạng lúc ấy chưa chứng vị Bồ Tát, sinh làm con gái dòng Bà La Môn. Vì nàng có túc phước rất nhiều, nên hết thảy mỗi người trong hàng thân thích đều tôn trọng cung kính, cho đến đi đứng nằm ngồi cũng đều có hàng Chư Thiên ủng hộ.

Khổ nỗi vì thân mẫu nàng tín theo ngoại đạo, nên thường đem lòng tà niệm mà khinh khi Tam Bảo, đã không tin nhân quả nghiệp báo, mà lại còn chê bai Chánh Pháp nữa.

Khi đó nàng đã biết mẹ mình thế nào đến khi thác rồi cũng phải trầm luân nơi khổ ải, nên nàng mới hết lòng khuyên can, sớm tối kiếm nhiều lời, phương tiện mà giảng nói, muốn làm sao cho mẹ mình tín ngưỡng theo Chánh giáo, thì mới đành lòng.

Song khuyên can là thế, mà thân mẫu nàng ác nghiệp đã dãy đầy và tín tâm lại cạn cợt nên chẳng có chút gì tin theo.

Chẳng bao lâu bà đã nhuốm bệnh trầm kha, bỗng chốc hóa ra người thiên cổ. Vì lúc sinh tiền ác nghiệp đã thành thục, nên chi thần hồn phải theo nghiệp quả mà đọa lạc vào vô gián địa ngục.

Còn phần nàng, mội nỗi thì thương mẹ cách biệt, dậm đất kêu trời, một nỗi thì sợ mẹ trầm luân, kinh hồn hãi vía, ngổn ngang trăm mối bên lòng, ăn không ngon, ngủ không yên, đêm ngày than khóc, ngàn thảm muôn sầu. Tưởng trong tình cảnh ấy nếu có phương gì mà cứu mẹ được thì thịt nát xương mòn nàng cũng không hề tiếc huống chi nói đến sự gì. Khi ấy nàng mới bán hết nhà cửa ruộng vườn rồi mua sắm đủ các thứ hương hoa và những đồ quý báu đem đến Chùa Phật mà dâng cúng.

Lúc nàng vào Chùa lễ lạy, xem thấy hình tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai sơn vẻ trang hoàng, oai dung nghiêm chỉnh, giống như một vị Phật sống thì trong lòng nàng kính ngưỡng vô cùng.

Nàng lễ bái rồi tự nghĩ rằng: “”Phật là bậc Đại Giác, đủ trí sáng suốt và hiểu thấu các lẽ, nếu được Phật còn tại thế, thì trong lúc mẹ ta chết rồi, thì có phạm tội gì và sinh về đường nào, ắt nhờ Phật từ bi chỉ bảo cho ta biết đặng, có đến nỗi đâu mà thảm như thế này!”

Nàng nghĩ vậy rồi, cứ đứng nhìn bức tượng Phật mà khóc, không chịu bước ra, dường như có vẻ muốn tỏ lòng cầu khẩn với Phật mà mong Phật chỉ bảo chỗ thọ khổ của mẹ mình và nhờ ơn cứu độ.

Qua một lúc lâu, thoạt nghe giữa thinh không có tiếng gọi rằng: “Nàng Thánh Nữ kia! Thôi đừng buồn rầu khóc lóc nữa, để ta chỉ chỗ thác sinh của mẹ ngươi cho ngươi biết”.

Nàng nghe nói như vậy, liền chấp tay ngửa mặt lên hư không mà bạch rằng: “Từ khi mẹ con mất đến nay, ngày đêm thương nhớ, không biết hỏi han ai cho rõ chỗ thác sinh của thân mẫu, nay không biết Đức Thánh thần chi mà có lòng đoái thương đến con như vậy”.

Nàng vừa nói rồi, giữa thanh không lại có tiếng trả lời rằng: “Ta đây là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà người cúng dường lễ bái! vì thấy ngươi có lòng thương nhớ mẹ rất tha thiết, chí hiếu hơn hạng chúng sinh thường tình, nên ta đến đây mà chỉ bảo”.

Nàng nghe mấy lời Phật nói như thế, thì lòng thiết tha muốn biết rõ tin của mẹ thác sinh về chỗ nào, nên không kể đến thân hình liền gieo mình xuống đất, tay chân bủn rủn, chết điếng một hồi.

May đâu có những người ở hai bên xúm lại đỡ dậy, nên nàng mới hồi tỉnh lại, rồi bạch với giữa thanh không rằng “Xin Phật đem lòng từ bi thương xót mà chỉ dùm chỗ thác sinh của mẹ cho mau, chứ con đây hình mòn tâm khổ chẳng bao lâu phải chết”

Khi ấy Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mới nói với nàng rằng: “Ngươi cúng dường và lễ bái xong rồi, mau mau sớm trở về nhà, ngồi ngay thẳng và yên lặng mà nghĩ danh hiệu của ta, tự nhiên biết được nơi của mẹ ngươi thác sinh”. Nàng lễ Phật xong, liền trở về nhà cứ y theo lời Phật dạy, nàng ngồi yên lặng một chỗ, niệm danh hiệu của Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai một ngày một đêm. Thình lình nàng thần mộng đi đến một chỗ bờ biển kia, nước cuồn cuộn sôi trào, ba đào sóng bủa, lại thấy nhiều giống ác thứ, cả mình bằng sắt, nhảy nhót bơi chạy trên mặt biển, không biết là bao nhiêu, lại thấy những người đàn ông và đàn bà, kể hơn trăm ngàn, lặn xuống trồi lên ở trên ấy, thảy đều bị những thú dữ kia giành giật bấu xé mà ăn thịt.

Quỷ Dạ Xoa thì hình thù khác nhau hoặc có thú nhiều tay nhiều chân, hoặc có thú nhiều con mắt nhiều đầu, hoặc có thú nanh bén nhọn như gươm mọc ló ra ngoài miệng, thảy đều áp lại lùa đuổi những bọn tội nhân đến gần cho thú dữ ăn thịt.

Nàng nhờ có sức niệm Phật, nên tâm vẫn thanh tịnh, tự nhiên không có chút sợ hãi. Từ đâu có một quỷ vương tên là Vô độc, thấy hình tướng nàng chẳng phải người phàm, oai nghi không giống kẻ tục, bèn đến trước mặt nàng cúi đầu nghênh tiếp mà bạch rằng: “Dám hỏi Đức Bồ Tát vì duyên cớ chi mà đi tới đây?”

Nàng lại hỏi quỷ vương rằng: “”Chỗ này kêu là xứ gì?

Quỷ vô độc đáp rằng: “Đây là biển nghiệp thứ nhất, về phía Tây núi Thiết vi”.

Nàng nghe nói liền bảo rằng: “Ta nghe trong núi Thiết vi có địa ngục ở chính giữa, việc ấy quả như vậy hay không?”

Quỷ Vô độc đáp rằng: “Thiệt có địa ngục chứ không phải huyễn hoặc”.

Nàng nghe rồi bèn khởi lòng kính nghi mà hỏi nữa rằng: “Địa ngục là nơi để giam nhốt những người có tội, còn Ta đây có lòng kính ngôi Tam Bảo, mà duyên cớ gì cũng đi đến chỗ ấy như vậy?”

Quỷ Vô độc đáp rằng: “Phàm người đi đến đây có hai cách: một là có oai đức thần thông, đến cứu độ cho mấy người tội khổ, hay là đến chơi cho biết, hai là mấy người tội ác đã thành thục, phải đi tới đây mà chịu khổ, nếu trừ hai lẽ ấy ra thì không thể đến đây được”.

Nàng lại hỏi nữa rằng: “Nước biển này duyên cớ sao mà lại sôi trào lên suốt, còn ở trong thì có nhiều tội nhân lặn lên hụp xuống, lại bị các loài thú dữ xâu xé ăn thịt như thế!”

Quỷ Vô độc đáp rằng: “Đây là chỗ nhốt những kẻ chúng sinh tạo ác ở cỗi Diêm phù đề, nên khi chết rồi, trải qua 49 ngày, không ai kế tự, lo làm việc công đức đặng cứu vớt vong linh bị khốn nạn. Còn những người đã chết đó, lúc sinh tiền lại không có chút mảy gì là điều phước thiện, thì cứ theo bổn nghiệp của mình mà chiêu cảm lấy cái khổ báo ở nơi địa ngục tự nhiên, trước hết phải đọa tới đây. Ở bên phía Đông biển này, cách chừng mười vạn do tuần lại có một cái biển nữa, sự đày đọa của chúng sinh bị vào đó còn khổ hơn đây đến bội phần. Còn bên phía Đông biển kia, lại có một cái biển khác, sự thảm trạng thống thiết không thể kể xiết! Những hạng người thọ khổ là do bình thường ở thế gian tạo những nghiệp ác mà phải cảm lấy sự tội báo như vậy, nên ba cái biển đó đều gọi là biển nghiệp”.

Nàng lại hỏi quỷ Vô độc rằng: “”Sao đây chỉ thấy có biển nghiệp, vậy địa ngục ở phương nào?

Quỷ Vô độc đáp rằng: “Ở giữa ba cái biển ấy là chỗ địa ngục. Nếu kể số riêng ra thì nhiều đến trăm ngàn mà sự thọ khổ đều mỗi người khác nhau, như nói về phần ngục lớn thì có 18 chỗ, còn phần ngục trung thì có năm trăm chỗ và lại có ngàn trăm ngục nhỏ nữa. Sự khổ độc trong mấy chỗ ngục đó không biết bao nhiêu mà kể cho xiết đặng!”

Nàng lại hỏi quỷ vương rằng: “Mẹ ta khi chết đến nay tuy chưa bao lâu mà chẳng biết thần hồn đã đi đến chỗ nào?”

Quỷ vương lại hỏi nàng rằng: “Chẳng hay mẹ của Bồ Tát, lúc sinh tiền làm những nghiệp gì, xin tỏ cho tôi rõ”.

Nàng đáp rằng: “Mẹ ta trước bị nhiễm theo tà kiến, chê bai ngôi Tam Bảo, gửi lòng không thường, lập tánh không định, dẫu có nghe lời khuyên can mà tạm tín, rồi cũng trở lại hủy báng nữa. Nay chết tuy chưa bao lâu, ắt có lẽ theo ác nghiệp ất mà đọa vào khổ thú, nên ta muốn tìm cho biết chỗ sinh xứ của mẹ ta, nhưng không biết mẹ ở nơi nao?”

Quỷ vô độc hỏi rằng: “Vậy cha mẹ của Bồ Tát tên họ là chi?”

Nàng đáp rằng: “Cha tên là La Thiện Hiện còn mẹ hiệu là Duyệt Đề Lợi, đều là dòng dõi Bà La Môn.”

Quỷ Vô độc nghe rồi, lật đật chắp tay mà bạch với nàng rằng: “Xin Thánh giá trở về bổn xứ, chẳng nên thương nhớ thân mẫu mà buồn rầu làm cho hao mòn quý thể. Số là Duyệt Đề Lợi đã khỏi sự khổ ở chốn địa ngục này mà sinh lên cõi trời cách nay đã ba ngày rồi. Nguyên Bà nhờ có người con hết lòng thảo thuận, lập đàn tràng tu phước và cúng dường nơi tháp tự của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, nên mới cảm đến Phật Thánh mà được sinh về cõi trời như vậy. Chẳng những thân mẫu của Bồ Tát nhờ phước đó mà thoát khỏi chỗ Vô gián địa ngục, đặng sinh lên cõi Trời, mà đến những người đồng thọ ta ở đó cũng nhờ duyên phước ấy mà đều đặng an vui và đồng sinh về cõi Thiên đàng trong ngày đó nữa?”

Quỷ vương nói rồi, liền chấp tay tỏ vẻ cung kính mà xin lui.

Còn nàng thì trong lúc ấy, dường như chiêm bao tỉnh giấc, mới rõ biết việc này là nhờ Phật lực làm cho thân mình được đi tới chỗ thác sinh của mẹ như vậy nên nàng cảm ơn Phật, lập tức đến trước bổn tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát lời thệ nguyện lớn rằng: “Nay tôi nguyện cho đến kiếp vị lai nếu có chúng sinh nào tạo tội mà chịu khổ ở nơi Địa ngục, bất luận là kẻ thân thuộc hay người cứu oán, tôi lập ra nhiều pháp môn phương tiện mà cứu độ cho đều được giải thoát tất cả”.

  1. Phật mẫu chuẩn đề

Chuẩn đề là một vị bồ tát trong trường phái Đại thừa, và đặc biệt được nhắc đến nhiều trong Kim cương thừa. Bà được xem là “mẹ của các vị Phật”, và thường được xem là ngang hàng với Quán Thế Âm.

Phật Mẫu chuẩn Đề còn được biết đến dưới những danh xưng như Thất Câu Chi Phật Mẫu, Thất Câu Đê Phật Mẫu hay Chuẩn Đề Bồ Tát.

Thân vị Bồ-tát có màu vàng trắng hay màu vàng lợt, ngồi kiết gia trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu trang điểm ngọc anh lạc. Đầu đội mão báu có ngọc lưu li rũ treo, có 18 tay đều đeo vòng xuyến khảm Xà Cừ và mỗi tay đều cầm các loại khí cụ biểu thị cho các Tam Muội Gia, gồm có 3 mắt. Chuẩn Đề Bồ Tát chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sinh có mạng sống ngắn ngủi được thọ mạng lâu dài.

  1. Quan âm nghìn mắt nghìn tay

Phật giáo trong mỗi giai đoạn phát triển đều không thể tách rời với bối cảnh lịch sử.Vì thế, theo sự phát triển của lịch sử, hình tượng Quan Âm Bồ Tát cũng có những biến đổi để phù hợp với thực tế. Đức Phật bà nghìn tay nghìn mắt xuất hiện xuất phát từ nhu cầu của Phật tử mong được thấy một đức Quan Âm thần thông hơn, không chỉ nhẫn nhịn mà còn ra tay cứu vớt chúng sinh thoát khỏi trầm luân bể khổ.

Hình tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt bắt nguồn từ sự tích Phật giáo của Ấn Độ về công chúa Diệu Thiện. Tương truyền từ xa xưa, có một vị vua mãi vẫn không có con để nối truyền ngôi vị. Sau nhiều ngày lễ bái cầu nguyện, thay vì sinh được con trai thì hoàng hậu lại hạ sinh 3 người con gái đẹp kiều diễm thướt tha.

Nhà vua đặc biệt yêu quý công chúa thứ 3 có tên là Diệu Thiện và có ý định nhường ngôi cho khi nàng lấy chồng. Tuy nhiên, công chúa không tuân theo tâm nguyện của vua cha mà quyết định xuất gia để tu hành.

Nhà vua khuyên răn bao nhiêu bà cũng cương quyết không chịu. Nhà vua bèn hạ lệnh cho các trụ trì trong chùa phải dùng đủ cách để đày đọa công chúa, những mong nàng nản chí mà quay về. Lệnh vua không ai dám cãi, công chúa phải làm đủ thứ việc nặng nhọc như gánh nước bửa củi…nhưng nàng vẫn vui vẻ chấp nhận không hề oán thán. Quan thế âm Bồ Tát không lay chuyển được con gái, nhà vua quá tức giận bèn ra lệnh đốt chùa, thà giết chết con chứ không cho phép con trái lệnh mình. Tương truyền trong khói lửa mịt mù, công chúa Diệu Thiện được một con hổ trắng cứu thoát, chạy tuốt sang Việt Nam, vào tu ở động Hương Tích.

Bấy giờ, nương theo thần thông của nhà Phật, công chúa phát thệ xuống 18 tầng địa ngục để cứu vớt vô số chúng sinh đang chìm đắm trong đau khổ. Trở về dương gian, bà tiếp tục tu luyện trong 9 năm và đã chứng đắc Phật pháp nhiệm màu. Lúc này, ở quê nhà, vua cha của bà bị bệnh nặng, các thầy thuốc đều bó tay. Công chúa Diệu Thiện lập tức trở về để cứu cha. Biết cha bị ngạ quỷ làm hại,bà khẳng khái khoét mắt, xẻo thịt tay chân để hiến dâng, cứu cha thoát khỏi cái chết.

Phật tổ cảm động trước lòng thành của công chúa Diệu Thiện đã độ trì cho nàng thành Phật, lại ban cho nàng nghìn mắt nghìn tay để cứu vớt thế gian. Trở Thành Phật, đức Quan Âm Diệu Thiện trở lại giáo hóa cho cha mẹ và thần dân được tỉnh ngộ về vô lượng công đức Phật.

Mặc dù câu chuyện mang nhiều yếu tố thần thoại nhưng truyền thuyết về Quan Âm nghìn mắt nghìn tay vẫn mang đầy đủ những ý nghĩa của việc tu Phật.

  1. Tây Phương tiếp dẫn chúng

Tây Phương Tiếp Dẫn miêu tả sinh động hình ảnh của Phật tổ cùng các chư vị Bồ Tát đang khấn nguyện phổ độ chúng sinh. Hình ảnh này mang ý nghĩa cầu phúc bình an đến cho mọi người. Đồng thời giúp cho tâm hồn con người trở nên thanh tịnh hơn, xua tan muộn phiền trong cuộc sống.

Mỗi khi chúng sinh nguyện cầu, Phật tổ và các chư vị Bồ Tát sẽ quan sát từng người và phổ độ, tiếp dẫn thực hiện nguyện cầu.

Đức Phật trịnh thượng với khuôn mặt hiền từ phúc hậu. Ánh mắt Ngài luôn nhìn xuống phía dưới, nhìn xuống chúng sinh để dõi theo cuộc sống cơ cực lầm than hay giàu sang phú quý. XUng quanh thân Phật A Di Đà luôn có vòng ánh sáng rực rỡ không bao giờ tắt. Đó là vòng hào quang soi sáng Tâm can của mỗi người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo