“Tôi dành cả tuổi thơ để mong ước mình mau lớn lên, nhưng dành cả quãng đời sau này để mong mình bé lại” đó là một nghịch lý ai đó đã từng nói, mà tôi thấy đúng. năm tôi 20, bắt đầu đối diện với nỗi cô đơn, những áp lực cơm áo gạo tiền, tôi đã bắt đầu có những suy nghĩ hoài niệm trong đầu về một tuổi thơ yên bình vô lo vô nghĩ, quãng thời gian không có sự xuất hiện của internet đó hóa ra lại là thứ tôi mong muốn nhất lúc này, mong muốn được quay trở về “những ngày thơ ấu”.
- LỜI RU CỦA MẸ
“à á à ơi….”lời ru thuở còn trong nôi, vọng ra cả những rặng tre bụi chuối tối mịt trước nhà, ánh trăng sáng vành vạch, gió mát hiu hiu, tiếng mẹ ru đưa con vào giấc ngủ. Những ngày Việt Nam còn nghèo khó, những thôn làng còn thiếu vắng đèn dầu, đêm đêm nằm ngoài chiếc chõng tre trước hiên nhà, nghe mẹ hát ru xoa lưng vỗ về. Tự nhiên nghĩ lại thấy như tôi là đứa trẻ hạnh phúc nhất thế gian này, vì tôi có mẹ và cả một tuổi thơ êm đềm bình dị.
- MẸ VỀ
cái thời con nít con nôi, sáng mở mắt ra không thấy mẹ đâu lại rơm rớm nước mắt đi tìm quanh nhà, rồi lại chạy ra ngoài cổng ngồi đợi mẹ về. Mẹ hay đi chợ sớm từ tờ mờ sáng để kịp về đưa mấy đứa nhóc như tôi đến trường. Ấy mà các bà mẹ Việt Nam có điểm này hay lắm, chẳng ai dặn chẳng ai nhắc nhưng mỗi lần đi chợ về đều mua cái gì đó cho mấy đứa con ở nhà, làm chúng nó ngóng, thấp thỏm không yên, nhìn thấy bóng mẹ từ xa đầu ngõ đã reo hết lên “A! mẹ về”.
- NGƯỜI BÁN HÀNG RONG
cái thời mà không biết máy vi tính là gì ấy, làm gì đã có nhà hàng, quán ăn hay shipper đâu, cái thời con nít của những đứa 9x như tôi, muốn ăn vặt chỉ có thể ngồi ở đầu nhà chờ mấy bác hàng rong đi qua gọi lại, nào là cháo, kẹo mạ, kẹo kéo, bánh rán,kem dừa….ôi sao mà nhớ thế hình ảnh mấy bác quẳng gánh trên vai bước từng bước qua cổng nhà, rồi cả cái kí ức với mấy đứa bạn ngồi xung quanh hàng gánh để đổi vỏ chai lấy kẹo……hạnh phúc chỉ đơn giản là vậy.
- TẮM MƯA
Tuổi thơ chắc ai cũng đã từng một lần trong đời “tắm mưa”. Những cơn mưa đầu mùa hạ, mùa mưa bão,…những đứa nhóc chúng tôi thường rủ nhau đi tắm mưa, những giọt nước mưa đầu mùa hạ mát lạnh. Chiều chiều lũ nhóc chúng tôi lại gọi nhau đi đá bóng, bắt cá, chơi trò chơi đuổi bắt, rồi có những ngày bầu trời bỗng chốc xám xịt lại, đứa cầm lá chuối, đứa đi chân trần lũ lượt chạy trên đường, rồi những cơn mưa bất chợt khi đi học về, những ngày mà quên cầm ô dù hay áo mưa đi học, đó là những lần tôi và lũ bạn tắm mưa chạy trên đường làng thi xem ai về nhà trước tiên…Cảm giác đó giờ chỉ còn là ký ức.
- CHĂN TRÂU
con trâu từ lâu đã trở thành biểu tượng của người nông dân Việt Nam, và tuổi thơ của lũ trẻ chúng tôi cũng gắn liền với nó. những chiều đi học về hay những ngày được nghỉ học chúng tôi đều dắt trâu ra đồng ăn cỏ. Ngày đó chưa có sự xuất hiện của những chiếc ô tô trong làng, nhưng chúng tôi lại được cưỡi trên lưng trâu, cảm giác đó tôi thấy còn vui hơn ngồi ô tô bây giờ. Ngày ngày, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi chăn trâu cùng giờ, ra đồng vừa cho trâu ăn vừa nô đùa cùng nhau những trò chơi dân gian. Thời đó không có điện thoại nhưng cứ đến giờ là cả lũ đều dắt trâu đi ăn như đã hẹn từ trước.
- THẢ DIỀU
hình ảnh những cánh diều bay ngập trời vào mỗi buổi chiều đến chắc không còn lạ gì với thế hệ 9x. Ngày xưa mỗi mùa hè đến, ở những cánh đồng bao la hay những bãi đất trống, lũ trẻ con trong làng thường tụ tập với nhau thả diều, ngày đó nghèo khó không có tiền mua diều, chúng tôi lại rủ nhau tự cắt giấy báo ra làm diều, khung bằng tre nứa, dán diều bằng cơm nguội, ai mà sang một chút thì có hồ dán. Làm xong diều là háo hức đợi gió to để ra thả, một đứa cầm diều một đứa chạy, chạy cho đến khi diều bay cao vút lên trời. lũ trẻ chúng tôi thường đua nhau xem diều ai bay cao hơn. bầu trời ngập tràn những cánh diều vi vu bay lượn như những chiếc máy bay siêu hạng. nào là diều sáo, diều buồm, diều thường…cả một bầu trời kí ức về những ngày nghỉ hè ngắn ngủi.
- CÂU CÁ
những buổi trưa nắng chói chang, lũ trẻ con chúng tôi thường trốn bố mẹ không ngủ trưa để đi câu cá. ngày đó thì không có cần câu xịn sò như bây giờ thế nhưng ai cũng có thể tự làm cần câu. điểm câu cá nóng nhất ngày đó là con mương ở ngoài đồng hay con sông chảy qua làng. mồi câu thường là giun đất, lũ trẻ chúng tôi thường tập chung một chỗ để quăng câu, vừa nói chuyện vừa câu, nhiều khi còn không để ý đến cá đã đớp mồi. ngày đó nhiều cá rô phi, bọn cá háu ăn nên quăng câu xuống đã thấy phao câu nháy liên tục, tha hồ giật cần, đi câu mà câu được cá cảm giác còn sướng hơn bắt được vàng.
- NHÀ CỦA NGOẠI
ngày đó do điều kiện bố mẹ đi xa lập nghiệp mà anh em chúng tôi phải theo bố mẹ rời quê. cũng chỉ có dịp giỗ hoặc tết mới được về nhà ngoại chơi. ngày đó mỗi lần biết tin chúng tôi về, ngoại lại chuẩn bị nhiều đồ ăn ngon và ra cổng chờ sẵn những đứa cháu về chơi. Nhà ngoại ngày đó chỉ là nhà lá đơn sơ nhưng mà ấm cúng, bộ bàn ghế cũ, cái chõng tre ngoại hay nằm lại gợi nhớ về tuổi thơ. Vườn nhà ngoại có nhiều cây ăn quả lắm, cây xoài, cây mít, cây na, cây hồng xiêm… Mỗi lần về nhà ngoại mấy anh chị em lại rủ nhau ra vườn hái quả, rung cây quả rụng chi chít nhìn mà mê.
- PHƠI THÓC
Vào mùa gặt, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy tuốt lúa, tiếng công nông hay xe chở lúa. không chỉ trong sân nhà mà ngoài đường cũng ngập tràn màu vàng óng, màu vàng của những hạt thóc chín người ta mới gặt về. Để có được những hạt gạo thơm ngon, trước hết phải phơi thóc cho khô rồi mới đi xát gạo. vào những trưa nắng người cầm bồ cào, người đi bằng đôi chân trần để rẽ thóc cho khô. Rồi phải canh nếu trời có hiện tượng mưa, người người lại tấp nập vội vã thu thóc vào bao mang đi cất để trời nắng lại mang ra phơi. Nếu nắng to thì tầm 3-4 hôm là có thể mang đi xát lấy gạo. Để có được hạt gạo thơm ngon, công sức người nông dân bỏ ra cũng không ít.
- GẶT LÚA
đến mùa gặt nhà nhà phải dậy từ sớm chuẩn bị đồ ra đồng để gặt lúa, người cầm liềm người cầm quang gánh đua nhau đi. gặt từng búi một rồi chất lại thành đống mang về. Mùa gặt lúa quê tôi như mùa hội, ngoài ruộng đông đúc hàng người lối nhau từng thửa ruộng vàng óng, vừa gặt vừa nói chuyện rôm rả. Trên đường hàng xe tấp nập, công nông nối đuôi nhau chở lúa về nhà. Hình ảnh quê hương yên bình mà quá đỗi thân thương.