VÔ ĐỀ
Lão Tử kị ngưu du sóc mạc,
Đạt Ma quải trượng khứ Trung Nguyên.
Nhân gian tự thử di tao phách,
Tao thị chân tâm phách thị Thiền.
Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (Đại sĩ Trúc Lâm xuất núi) là một họa phẩm được vẽ cuối thế kỷ XIV, miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm trở về, vua Trần Anh Tông cùng các quan ra nghênh đón. Họa phẩm này do Trần Giám Như thực hiện vào năm 1336, sau đó được các danh họa thời Minh thêm vào lời bình dẫn, tôn vinh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng họa sĩ vẽ bức tranh là người Việt Nam, bởi căn cứ vào sự việc năm 1420, Trần Quang Chỉ – một thổ quan Việt Nam thời Thuộc Minh – đã viết lời bạt cho bức tranh, và tiếp tục mang tranh tới Bắc Kinh xin lời ký, lời bạt của hai vị quan Hàn lâm triều Minh.
“Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” là bức tranh cuộn được làm theo lối hiện thực, với chiều dài tới 3,1m, rộng 0,4m, được chia thành hai trường đoạn. Trong tranh có 82 nhân vật, có đủ tăng sĩ, nho sĩ và đạo sĩ thể hiện rõ tư tưởng “Tam giáo đồng tôn” thời Trần.
Trong trường đoạn thứ nhất, cảnh Đại sĩ xuất sơn, vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông dời núi, ngài ngồi trên kiệu võng, đã xuống tóc, với trán cao, mày dài, ánh mắt sáng ngời thông tuệ, nhân từ. Ngài mặc áo cổ tràng vạt, tay lần tràng hạt, xung quanh là đoàn tùy tùng với người gánh bộ đồ trà, người cầm lọng, người cầm gậy, các nhà sư người Hồ, thiền phái Nam tông. Phía trước Phật hoàng có hạc dẫn đường. Phía sau Đại sĩ là người bạn tâm giao – đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Các lão sư người Hồ với đầu hói, râu quai nón bưng kinh sách, cầm tích trượng, lại có cả vị đại sư do mắt kém mà được dẫn qua cầu đá bị gió lộng thổi bay áo thiền để lộ vòng bạc ở cổ chân. Đi cuối đoàn là chú voi trắng được trang hoàng lộng lẫy, cầu kỳ để chở kinh. Chú voi này được gắn các hạt châu, hoa cúc vào đôi ngà, đỉnh đầu thì gắn hình hoa sen cách điệu, còn lưng chú voi phủ thảm Ba Tư… Trường đoạn này có nền là mây núi trùng điệp, phía xa là sông Ngô đồng lấp lánh, với hoa lau trắng, thông già, ngô đồng phấp phới bờ sông.
Trong bức họa có ba con vật mang tính biểu trưng. Đoàn người của Trúc Lâm Đại sĩ mở đầu bằng một con hạc với người chăn đi trước, kế tới con trâu (đúng ra là bò) mà nhân vật đạo sĩ cưỡi, sau cùng là con voi trắng chở kinh. Thứ tự mà cũng là bố cục này thể hiện quan niệm về yếu tính của tôn giáo trong bức họa. Có thể hiểu con hạc với người chăn đi đầu tượng trưng cho cái Tâm hướng thượng, con trâu và đạo sĩ đi kế tượng trưng cho cái Tâm hiểu Đạo, con voi trắng chở kinh đi sau cùng tượng trưng cho cái Tâm có Thức.
Ở trường đoạn thứ hai là cảnh vua quan triều thần nghênh đón Phật hoàng. Hoàng đế Trần Anh Tông với dáng vóc uy nghi, nét mặt nghiêm trang, trên búi tóc có buộc khăn, mặc áo bào kép 5 thân tay thụng, quần dài, chân đi giày cao cổ. Các quân cấm y vệ vác bảo kiếm hộ vệ, lại có một đại quan vác thượng phương bảo kiếm đứng hầu. Bách quan mặc áo gấm tía, tay thụng, mũ chữ đinh kiểu lục lăng có tai mũ quấn cong ra sau. Phía sau là quân lính mang kiệu, lọng, ngựa voi để rước Phật hoàng về kinh trước khi ngài ra Yên Tử. Đoàn người dài được vẽ chi tiết, mang giá trị lịch sử, là nguồn tư liệu quý cho những nghi lễ nghênh đón của thời Trần. Ở đây kiệu lọng ba tầng tay ngai chạm hình rồng mây thời Trần, ngai tựa hình lá đề. Các võ sĩ khiêng kiệu đầu đội mũ lục lăng, quân cấm y vệ thì cầm thiết chùy và côn, thiết giản đứng hầu.
nhược điểm của hội họa là bị hạn chế trong việc diễn tả sự vận động của sự vật trên phương diện thời gian. Nhưng với loại tranh thủ quyển như bức họa Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ thì hạn chế ấy lại được khắc phục phần nào, vì quả thật không ai có thể trong một cái nhìn đã “chụp ảnh” được một bức tranh dài tới vài mét. Hình thù núi sông, dáng vẻ cây cỏ, diện mạo nhân vật, tư thế cầm thú… trong loại tranh này do đó tuy đã bị cố định nhưng không trở thành bất động đối với ánh nhìn của người thưởng ngoạn, phản ứng thị giác ở đây tạo ra hiệu ứng nghệ thuật, tức chuỗi sự vật tĩnh trong không gian của bức họa lại tạo ra một cảm giác động về thời gian nơi người xem.