Bạn trẻ 9X làm đèn nghệ thuật tôn vinh cổ phục và cảnh đẹp Việt Nam

Khi trào lưu cổ phục Việt Nam hồi sinh mạnh mẽ, mỗi người trẻ yêu văn hóa đều có cách riêng để hòa mình vào dòng chảy ấy. Có người nghiên cứu để may mới hoặc phục dựng trang phục triều đình xưa, có người diện những chiếc áo ngũ thân, áo nhật bình để “khoe” ảnh đẹp, có người lại vẽ họa tiết từ áo cổ phục lên giày, lên mũ…

Song đối với Nguyễn Duy Duy, đó là cách tạo hiệu ứng thị giác thú vị từ giấy và đèn – gọi là hộp đèn kirigami hay hộp đèn giấy 3D.

Nguyễn Duy Duy sinh năm 1996 tại Thạch Thất, Hà Nội. Khoảng năm 2018, Duy đã triển khai ý tưởng làm hộp đèn cho bài tốt nghiệp đại học của mình, chuyên ngành thiết kế.

Tác giả hộp đèn nghệ thuật Nguyễn Duy Duy. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Cùng một người bạn mày mò, thử nghiệm làm hộp đèn trong hơn ba năm nay và tạo nên nhãn hiệu riêng mang tên Fox Design, có thể coi Duy và bạn anh là hai trong số những người khởi xướng phong trào này tại Việt Nam.

Những hộp đèn giấy 3D là sự kết hợp giữa nghệ thuật cắt giấy kirigami của Nhật Bản, cảm hứng từ loại hình rối bóng của Trung Quốc và đèn kéo quân của Việt Nam.

Bộ tác phẩm hoàn chỉnh mới nhất của Duy có tên “Việt Nam-Đất nước-Con người.” Dự án là sự kết hợp giữa ba phần, trong đó “Con người” là sự tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt trong những tà áo truyền thống, lịch sử. Đó chính là chiếc áo nhật bình, áo tấc (áo ngũ thân tay thụng), áo tứ thân và áo dài – những trang phục đang trở lại trong cuộc sống hiện đại với một hình ảnh mới mẻ, tươi trẻ.

Hình tượng phụ nữ mặc áo tấc từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát thế kỷ 18, loại áo được coi là tiền thân của áo dài hiện đại ngày nay – đại diện cho phần ‘’Con người.’’ (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
Phần “Đất nước” lại là những hộp đèn tái hiện cảnh quan đẹp của đất nước từ Bắc tới Nam – nhưng nơi Duy cảm thấy gắn liền và tôn vinh vẻ đẹp đất nước tốt nhất.

Trong lúc xây dựng ý tưởng cho toàn bộ dự án, Duy vô tình nghe được ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của ca sỹ Hồng Nhung. Bài hát vô tình mang lại những kỷ niệm tuổi thơ được đi chơi cùng bố, Duy càng rạo rực với tình yêu cho mảnh đất nơi mình sinh ra và quyết định dành cho nơi này nhiều cảnh quan nhất.

Các tác phẩm cảnh quan Hà Nội gồm có phố cổ Hà Nội, góc phố Hà Nội, đường tàu Hà Nội, Nhà thờ Lớn. Ngoài ra còn có cảnh ruộng bậc thang, phố cổ Hội An, cố đô Huế, cảnh quan sông nước miền Tây…

Khung cảnh tàu lửa tại khu vực Khâm Thiên-Giải Phóng, Hà Nội đại diện cho phần ‘‘Đất nước.’’ (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
Tái hiện văn hóa, cổ phục Việt Nam đối với Duy là một niềm vui cũng như niềm tự hào lớn vì anh hiểu rõ rằng “còn văn hóa là còn dân tộc.”

“Phần ‘Việt Nam’ đối với tôi là khó nhất vì khó có gì gánh nổi hai chữ này,” Duy bộc bạch. “Sau khi bàn bạc với bạn bè, tôi quyết định lồng ghép vào đó bốn loại hình văn hóa nghệ thuật, gồm hát bội (tuồng), múa rối nước, nhã nhạc cung đình Huế và không gian cồng chiêng Tây Nguyên.”

Để thực hiện những tác phẩm này, đầu tiên, Duy phải lên ý tưởng và thiết kế, dàn cảnh, cắt lớp trên máy tính. Sau đó, anh chuyển bản thiết kế vào máy cắt, sử dụng giấy mỹ thuật để đảm bảo sản phẩm cuối cùng có độ chỉn chu và chính xác nhất.

Tái hiện sân khấu hát bội/tuồng đại diện cho phần ‘‘Việt Nam’’ trong dự án. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Bước đầu tiên là thiết kế trên máy tính, ghép từng lớp giấy vào với nhau để kiểm tra bố cục của hình. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
Sau khi cắt xong, Duy sẽ ghép các lớp giấy lại thành một bức tranh hoàn chỉnh. Mỗi chất liệu anh chọn đều phải đảm bảo trạng trái ban đầu của giấy: Không bị co, giãn, nhăn nhúm do nhiệt độ từ đèn, hơi ẩm của môi trường xung quanh…

Các hộp đèn có thể có 5-7, có khi lên tới gần 15 lớp giấy, tùy bối cảnh và hình ảnh. Khi làm, Duy và bạn mình cần đảm bảo cân bằng giữa yếu tố lớp lang, chiều sâu của hộp đèn với ánh sáng để có thể xuyên qua đúng như ý muốn.

Loại giấy sử dụng cho hộp đèn là giấy mỹ thuật. (Ảnh: Fox Design)

Sau khi cắt giấy đến công đoạn gia cố sản phẩm, Duy sẽ phân cách các lớp giấy bằng bìa formex và mica trong suốt rồi ghép tất cả vào với nhau. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)


Dù chưa lên đèn nhưng các lớp giấy xếp lên nhau tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh có chiều sâu và hiệu ứng thị giác ấn tượng. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
Trước đó, anh từng làm những tác phẩm tái hiện cảnh phim nổi tiếng, bộ đèn nhân dịp Trung Thu, bộ đèn thời thơ ấu… và rút ra nhiều kinh nghiệm lớn nhỏ.

Không ít lần Duy và bạn mình phải “đập đi làm lại từ đầu” để có được tác phẩm hoàn chỉnh hoặc ưng ý nhất. Có khi cả hai cảm thấy màu sắc của đèn chưa phù hợp, có khi nằm ở việc thiếu cảnh, thừa cảnh dẫn đến phân bố ánh sáng không như mong muốn, có khi ảnh trông quá rối sau khi ghép trên thực tế…

Thế nhưng nhờ có sự kiên trì, đam mê với màu sắc, ánh sáng và cái đẹp quanh mình, Duy cùng bạn đồng hành vẫn tiếp tục với con đường mình đã chọn. Trong tương lai, hai người bạn dự định sẽ thử nghiệm nhiều đề tài khác như “Ký ức tuổi thơ” khắc họa những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với mỗi người con nông thôn, hay chủ đề khó hơn nữa như phong thủy, Phật pháp…

Một số tác phẩm khác của Nguyễn Duy Duy và bạn đồng hành:

Một tác phẩm về Phật mà hai bạn đang dày công nghiên cứu thử nghiệm để hoàn thiện. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)


Tác phẩm ”Nhất tâm hướng Phật” trước và sau khi lên đèn. (Ảnh: Fox Design)


Cảnh phim ”Vua sư tử” trong phim hoạt hình của hãng Disney. (Ảnh: Fox Design)


Một tác phẩm trong dự án ”Ký ức tuổi thơ.” (Ảnh: Fox Design)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo