Ước vọng cùng đèn lồng cắt giấy

“Không chỉ làm những danh lam thắng cảnh, tôn giáo hay trang phục truyền thống của Việt Nam, tôi rất muốn làm những chiếc đèn lồng về đề tài lịch sử dân tộc hào hùng, nếu được có lẽ tôi sẽ chọn chiến thắng Bạch Đằng đầu tiên…”. Ánh mắt của tác giả trẻ Nguyễn Duy Duy (25 tuổi) sáng lên khi bộc bạch những ý tưởng sáng tác cho đèn lồng cắt giấy độc đáo trong tương lai.

Nguyễn Duy Duy ấp ủ nhiều ý tưởng thể hiện lịch sử dân tộc với đèn lồng cắt giấy.

Năm 2017, khi học năm thứ ba chuyên ngành Thiết kế đồ họa tại Trường cao đẳng công nghệ cao Hà Nội, chàng sinh viên Nguyễn Duy Duy đã vô tình thấy bộ môn nghệ thuật cắt giấy Nhật Bản kirigami khi đang tìm đề tài làm đồ án tốt nghiệp. Bất ngờ và thích thú, Duy đã tự nghiên cứu, luyện tập các kỹ năng cắt giấy kirigami, kết hợp nghệ thuật rối bóng Trung Quốc và hơi hướng của chiếc đèn kéo quân Việt Nam. Duy còn có sự khéo léo trời phú, thừa hưởng từ nghề mộc của gia đình ở làng Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội), nơi có truyền thống làm đồ gỗ tinh xảo. Một năm sau, đồ án tốt nghiệp là chiếc đèn lồng cắt giấy đầu tiên ra đời, trở thành niềm say mê Duy kiên trì theo đuổi cho tới nay.

Từ những sản phẩm đầu tiên mang đậm sở thích của tuổi trẻ, liên quan đến hoạt hình hoặc phim ảnh, mỗi chiếc đèn ra đời đã từng bước đánh dấu sự trưởng thành hơn trong tay nghề và suy nghĩ của Duy. “Nếu đã làm được một sản phẩm mới mẻ thế này, tại sao không phát triển đề tài ý nghĩa hơn, đưa những yếu tố đặc sắc của Việt Nam vào. Từ đó, bộ đèn lồng đầu tiên tôi chọn là đề tài trung thu, sau đó là bộ đèn về cuộc đời Đức Phật Thích Ca, hay mới đây nhất là một bộ đèn về Việt Nam – Đất nước – Con người”, Duy chia sẻ. Qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, hình ảnh góc phố cổ tại Hà Nội, thiếu nữ áo dài trước Ngọ môn ở cố đô Huế, lễ đốt lửa trước nhà rông Tây Nguyên hay cảnh xe ba gác chạy qua nhà thờ Đức Bà ở TP Hồ Chí Minh… hiện ra vừa quen thuộc vừa mới lạ, có chiều sâu mà lung linh, huyền ảo nhờ hiệu ứng ánh sáng chiếu qua nhiều lớp giấy, đủ hút mắt người xem vào khám phá từng chi tiết được cắt, tỉa công phu.

Để có được một đèn lồng hoàn chỉnh, Duy tiết lộ có năm bước thực hiện và tùy theo độ phức tạp, có thể mất ít nhất vài giờ cho tới vài ngày, thậm chí cả tháng để hoàn thành. Trước tiên là việc lên ý tưởng, sau đó là chia bố cục, phân bố các mảng, lớp nhằm tạo độ sâu. Các bước tiếp theo là cắt, tỉa giấy để tạo ra các chi tiết và gia cố đèn chắc chắn từ trong ra ngoài. Cuối cùng là bước lắp đặt đèn để tạo hiệu ứng ánh sáng.

Từ lúc cho ra mắt sản phẩm đầu tiên tới nay, Duy cùng một người bạn đã lập ra nhóm Fox Design, chuyên thiết kế, sản xuất đèn lồng cắt giấy và giới thiệu tới hàng trăm khách hàng. Mọi người đều có phản hồi rất tích cực. Thậm chí, nhiều khách hàng nước ngoài như ở Hàn Quốc còn hết sức ấn tượng trước khả năng sáng tạo của Duy khi dùng mây tre đan làm khung đèn, thay vì khung gỗ thông thường. Nhu cầu thì rất nhiều, nhưng hiện tại Duy vẫn chưa muốn mở rộng sản xuất đại trà bởi mỗi chiếc đèn lồng là một sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn về chất xám và sự cầu toàn của chính bản thân.

Mơ tôn vinh lịch sử hào hùng

Rõ ràng, đèn lồng cắt giấy của Duy là một sản phẩm khởi nghiệp tiềm năng và mang nhiều giá trị nghệ thuật. Nhưng ước mơ của chàng trai quê Hữu Bằng không chỉ gói gọn trong việc khởi nghiệp mà còn đi xa hơn, ý nghĩa hơn thế. Duy khẳng định: “Tôi nhận ra mỗi chiếc đèn lồng có thể kể một câu chuyện về quá khứ. Bởi vậy, sắp tới tôi muốn làm bộ sưu tập về ngày thơ ấu, thuật lại quá trình khi còn là một đứa trẻ tới khi trưởng thành và một bộ về nơi tôi sinh ra, kể về câu chuyện làng quê, ghi lại những góc phố, góc đường, đình chùa quê hương… Tuy nhiên, ước mơ lớn nhất của tôi là phục dựng những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc vào trong những chiếc đèn lồng”.

Chia sẻ với phóng viên Thời Nay, Duy hào hứng kể về dự định lớn nhất ấy. “Từ ngày còn nhỏ, tôi thường xem nhiều phim dã sử Trung Quốc. Tôi tự hỏi, chỉ riêng chính sử Việt Nam đã hào hùng không kém, vậy tại sao mình không làm những chiếc đèn lồng cắt giấy về đề tài đó?”. Rồi đi vào làm thử, Duy phát hiện ra “cái khó” là còn thiếu thốn tài liệu lịch sử, chưa có người giàu kiến thức hỗ trợ, tư vấn. Nhóm bắt đầu từ việc tìm hiểu những tư liệu sử liên quan của các nhà nghiên cứu có uy tín, sau đó “dám nghĩ, dám làm” về những sự kiện hào hùng, như ba chiến thắng trên sông Bạch Đằng, ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, hoặc chiến thắng Điện Biên Phủ…

Duy và nhóm dự định, khi số lượng bộ sưu tập đã đủ đầy, sẽ tổ chức triển lãm, vừa giới thiệu những sản phẩm mang tính nghệ thuật, vừa truyền tải thông điệp tự hào của người trẻ về lịch sử dân tộc.

Duy cho biết: “Nhiều khách hàng đặt tôi sản xuất hàng nghìn chiếc hoặc làm theo yêu cầu của họ, nhưng mỗi chiếc đèn đòi hỏi ý tưởng, cảm xúc và tận tâm của người làm. Bởi vậy, tôi thấy chưa thể đưa vào sản xuất quy mô lớn. Đối với những khách hàng đơn lẻ, nhiều lúc phải gọi cho từng người để tư vấn, trao đổi với họ về ý tưởng thiết kế, sao cho vừa đẹp nhất theo tiêu chuẩn của tôi, vừa làm hài lòng người mua”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo